Tết trung thu 2021 vào ngày nào?
Theo lịch vạn niên, tết trung thu 15 tháng 08 âm lịch 2021 được xác định là vào ngày thứ 3, ngày 21/09/2021 dương lịch.
Tết trung thu bắt nguồn từ đâu? Tết trung thu có ý nghĩa gì? Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu chi tiết đến bạn đọc về nguồn gốc, ý nghĩa và những lễ vật cần có trong mâm cúng tết trung thu 2021.
Tại Việt Nam, nhắc đến tết trung thu thì không ai là không biết. Nó diễn ra vào ngày rằm tháng 8 âm lịch hằng năm, được biết đến với nhất nhiều tên gọi khác nhau như: Tết Đoàn viên, tết trông trăng, tết hoa đăng, tết thiếu nhi. Vậy tết trung thu có nguồn gốc bắt nguồn từ đâu? Tết trung thu có những ý nghĩa lịch sử – văn hóa nào? Và đặc biệt một điều rất quan trọng nữa là chuẩn bị những gì cho lễ cúng tết trung thu để chuẩn tập tục truyền thống? Trong bài viết dưới đây, Inox Việt Nam sẽ giúp bạn làm rõ thông tin của ngày tết trung thu tại Việt Nam, hãy cùng theo dõi nhé!
Nguồn gốc của tết trung thu – rằm tháng 8
Có rất nhiều quan niệm khác nhau về nguồn gốc của tết trung thu.
Nhiều tư liệu chỉ ra rằng, tết trung thu tại Việt Nam và nhiều nước phương Đông chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Quốc cổ đại, gắn liền với điển tích về nàng Dương Ngọc Hoàn – quý phi của vua Đường.
Theo đó, Dương Quý Phi có nhan sắc khuynh thành (cùng với Tây Thi, Vương Chiêu Quân và Điêu Thuyền là Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa) nên được vua Đường Huyền Tông vô cùng yêu chiều, là sủng phi số 1 trong hậu cung lúc đó. Tuy nhiên cũng vì vậy mà vua Đường ngày càng trở nên xa rời triều chính, bỏ bê việc nước, đam mê nữ sắc. Thực trạng đó đã làm dấy lên trong lòng các quan đại thần nỗi bất bình, họ đòi vua Đường phải xử chết Dương Quý Phi để yên ổn triều chính. Mặc dù trong lòng không muốn nhưng đứng giữa ranh giới tình yêu và việc nước vua Đường đã chấp thuận (có tài liệu lại nói rằng Dương Quý Phi tự nguyện hy sinh). Sau khi Dương Quý Phi mất, vua Đường ngày đêm mong nhớ về quý phi của mình. Thấu hiểu được tấm lòng của nhà vua, các vị tiên nữ trên trời đã cho vua 1 đặc ân, đó là cứ vào ngày trăng tròn nhất, sáng nhất hằng năm sẽ để vua Đường lên thăm Quý phi. Chính vì thế, khi trở về nhân gian Đường Huyền Tông đã cho tổ chức lễ hội, thờ cúng với ý nghĩa nhớ về vợ của mình. Sau này lưu truyền mọi người gọi đó là “thưởng nguyệt”.
Dưới 1 góc nhìn khác, dân gian Việt Nam lại thừa nhận nguồn gốc tết trung thu gắn liền với các dấu vết văn hóa – lịch sử: Đó là các dấu vết lễ hội được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Từ đó, nhiều nhà nghiên cứu cũng xác định rằng tết trung thu tại Việt Nam là một tập tục nội địa tự xuất phát chứ không bắt nguồn từ một nền văn hóa ngoài nào cả. Ở mặt này, tết trung thu được cho là có từ thời nhà Lý. Vua Lý muốn tổ chức phần lễ để thể hiện lòng biết ơn đối với Thần Long đã mang đến mùa màng bội thu, sự hưng thịnh cho đất nước; tổ chức phần hội để cùng con dân nước mình chia sẻ niềm vui.
Sau thời Lý, dưới thời vua Lê, chúa Trịnh, lễ tết trung thu được tổ chức linh đình hơn rất nhiều trong phủ chúa.
Cũng nói về nguồn gốc tập tục ăn tết trung thu tại Việt Nam, nhà nghiên cứu Phan Kế Bính lại ít nhắc đến hơn về mốc thời gian xuất hiện của tập tục này, mà chỉ nhấn mạnh rằng tết trung thu rằm tháng 8 nước ra có từ rất xa xưa, truyền từ đời này sang đời khác như một văn hóa cổ truyền, trong đó: Ban ngày làm lễ cúng tổ tiên, ban đêm bày cỗ đoàn viên dưới ánh trăng để thưởng nguyệt.
Nói tóm lại, rất khó để xác minh rõ ràng, phân định chính xác về các tập tục văn hóa, chứ không riêng gì tết trung thu. Tại Việt Nam, dân gian ta gần như không bài trừ câu chuyện, điển tích, hay rõ hơn là nguồn gốc hoặc quan niệm nào về tết trung thu. Họ có xu hướng dung hòa và chấp nhận tất cả những nguồn gốc ấy như sự khác biệt trong 1 nền văn hóa cổ truyền.
Ý nghĩa tết trung thu – rằm tháng 8
Về mặt ý nghĩa: Ở mỗi góc nhìn khác nhau thì tết trung thu lại được hiểu với một ý nghĩa riêng. Và đặc biệt điều đáng nói ở đây là người dân Việt Nam có thể tiếp thu, chấp nhận và dung hòa tất cả các tầng ý nghĩa này. Tết trung thu chính xác diễn ra vào ngày chính giữa mùa thu (tầng ý nghĩa gốc), vừa là tết đoàn viên, vừa là tết thiếu nhi, vừa là tết phá cỗ, vừa là tết thưởng nguyệt và đồng thời cũng là ngày hội hoa đăng.
Tết trung thu hay còn gọi là Tết thiếu nhi
Hiện nay, một trong những ý nghĩa phổ biến nhất của tết trung thu đó chính là tết thiếu nhi. Tết trung thu gắn liền với hình ảnh các em nhỏ nô nức vui đùa với các thức đồ chơi đặc trưng. Vào ngày này, mỗi gia đình cũng sẽ dành riêng những món quà nhỏ cho con, cháu. Các đơn vị, tổ chức, đoàn thể cũng tổ chức lễ hội, những chương trình giao lưu văn nghệ, trao quà cho các em nhỏ.
Tết trung thu hay còn gọi là Tết đoàn viên
Tuy không được tổ chức trọng đại và kéo dài như tết Nguyên đán, song khi nhắc đến 2 từ “Đoàn viên” là người ta sẽ nghĩ ngay về tết trung thu.
Đây không chỉ là dịp con cháu sắp lễ nhớ về ông bà tổ tiên, mà còn là dịp những người còn sống – các thành viên trong gia đình – tụ quầy, vui vẻ bên nhau. Dù ở xa, ở gần, mọi người cũng sẽ cố gắng trở về bên nhau.
Tết trung thu hay còn gọi là Tết thưởng nguyệt
Thưởng nguyệt hay còn gọi là ngắm trăng.
Về mặt hiện tượng tự nhiên, vào mỗi độ trung thu mặt trăng sẽ tròn và sáng nhất (tỏ nhất). Do đó đây cũng là dịp để mọi người có thể thưởng thức vẻ đẹp trong sáng nhất của ánh trăng trong 1 năm.
Ngoài ra thì theo quan niệm dân gian, tục thưởng nguyệt còn có ý nghĩa dự đoán mùa màng, dự báo vận mệnh đất nước.
Dựa vào màu sắc của ánh trăng rằm: Nếu ánh trăng xuất hiện màu vàng ươm tươi sáng thì năm đó sẽ là vụ mùa bội thu và thu hoạch tơ tằm; nếu ánh trăng xuất hiện màu cam trong sáng thì năm đó đất nước sẽ an khang thịnh vượng; còn nếu ánh trăng xuất hiện màu xanh lam nhẹ thì năm đó rất có thể sẽ xảy ra bão lũ.
Tết trung thu hay còn gọi là Tết phá cỗ
Tết trung thu cũng là ngày tết phá cỗ. Phá cỗ ở đây được hiểu theo nguyên nghĩa là phá cỗ trăng rằm.
Vào đêm trung thu, mỗi gia đình sẽ cùng nhau bày biện mâm cỗ quây quần dưới ánh trăng như 1 buổi tiệc ăn mừng. Thường thì cỗ trăng rằm sẽ có: Nhiều loại trái cây, bánh trung thu, bánh kẹo ngọt cùng nước uống. Ngoài ra sẽ là những phần đồ chơi nhỏ cho trẻ con chơi tết trung thu.
Tết trung thu hay còn gọi là Tết hoa đăng
Tết trung thu cũng có 1 ý nghĩa nữa đó là tết hoa đăng.
Vào dịp trăng rằm, ngoài việc các thành viên quây quần bên nhau phá cỗ, ăn bánh, uống trà và thưởng nguyệt, người ta còn cùng nhau đi thả hoa đăng trên sông hoặc hồ (dòng chảy) cầu nguyện những điều may mắn trong cuộc sống.
Hướng dẫn chuẩn bị lễ vật cúng tết trung thu rằm tháng 8 chuẩn tập tục
Tùy vào điều kiện gia đình và khu vực sinh sống (gia đình miền Bắc, gia đình miền Trung, gia đình miền Nam) mà mâm lễ cúng tết trung thu sẽ chuẩn bị các món khác nhau. Thế nhưng về cơ bản cũng có những nguyên tắc chung cho chuẩn bị lễ vật cúng tết trung thu chuẩn tập tục.
Những món lễ vật đặc trưng chỉ có trong tết trung thu:
- Bánh trung thu: Bánh trung thu truyền thống (bánh nướng, bánh dẻo) và bánh trung thu hiện đại (bánh trung thu rau câu)
- Đồ chơi: Đèn ông sao, tò he, lồng đèn giấy
Ngoài 2 lễ vật đặc trưng trên, mâm cúng tết trung thu còn có các lễ vật khác:
- Mâm ngũ quả
Không thể thiếu trong mâm cúng tết trông trăng đó là lễ ngũ quả. Ngũ quả bao gồm 5 loại quả không đồng chất nhau và khác màu.
Bạn có thể chọn 5 loại quả tùy sở thích của gia đình, tuy nhiên nên tuân thủ theo quy tắc quả ngũ hành. Nghĩa là: Chọn 5 loại trái quả khác nhau, trong đó mỗi loại sẽ có 1 màu đại diện cho 5 hành tương sinh trong trời đất.
Quả màu vàng (ví dụ như quả bưởi là phổ biến nhất ở cả 3 miền) sẽ đại diện cho hành Kim.
Quả màu xanh lá (ví dụ như chuối xanh, dưa hấu, ổi, …) sẽ đại diện cho hành Mộc.
Quả màu trắng (ví dụ như quả dưa lê, dưa gang) sẽ đại diện cho hành Thủy.
Quả màu đỏ (ví dụ như táo đỏ, nho, thanh long, lựu) sẽ đại diện cho hành Hỏa.
Và cuối cùng quả màu xám (ví dụ như quả kiwi, quả hồng xiêm) sẽ đại diện cho hành Thổ.
- Bánh kẹo
Bánh kẹo cũng được chuẩn bị tươm tất trong tết trung thu. Ngoài bánh trung thu là món bánh đại diện, bánh truyền thống bắt buộc của tết trông trăng thì bạn có thể chuẩn bị cho mâm lễ cúng tết trung thu các loại bánh ngọt, kẹo, oản, …
- Trà
Không chỉ là lễ vật, thưởng trà còn là nét đẹp văn hóa. Với ý nghĩa như vậy, trà rất được coi trọng trong các mâm cúng cổ truyền, và cúng trông trăng cũng vậy.
Chuẩn bị 1 món gồm 1 ấm pha trà, 5 chén trà. Lõi trà có thể là trà sen, trà hoa cúc, trà hoa nhài, trà thảo mộc, … tùy ý thích của gia chủ. Tuy nhiên gia chủ nên lưu ý là hãy thắp trà lên mâm cúng khi còn nóng.
- Hoa tươi
Lễ hoa tươi thường được chọn nhất trong cúng rằm trung thu tháng 8 là lễ hoa cúc vàng.
Sắp 1 lọ hoa tươi, cắm những bông cúc đại vàng tươi theo số bông hoa lẻ.
Ngoài ra, tùy từng gia đình cũng có thể chọn hoa sen, hoa hồng, hoa lay ơn, hoa đồng tiền, … đều được.
Trên đây là những giới thiệu chi tiết về tết trung thu truyền thống tại Việt Nam, tết trung thu 2021 với đầy đủ nguồn gốc, ý nghĩa, mâm lễ cúng tết trung thu, mong rằng đã đem lại kiến thức hữu ích cho bạn đọc. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào bạn hãy để lại thông tin bên dưới để chúng tôi giải đáp rõ hơn cho bạn nhé. Cảm ơn vì đã đồng hành cùng Đồ Cúng Việt Nam!